Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Tuyên truyền về an ninh trật tự (trộm cắp và cướp giật tài sản)

Các vụ Trộm cắp tài sản xảy ra chủ yếu ở nhà dân, nơi công cộng, công sở. Đối tượng trộm cắp hầu hết không có nghề nghiệp hoặc làm nghề tự do. Nổi lên là các vụ trộm cắp xe máy, trộm cắp gia súc, các vụ Trộm cắp tài sản lợi dụng gia đình không có người trông coi đột nhập thực hiện hành vi phạm pháp.

Qua phân tích, đánh giá, nguyên nhân chính của các vụ Trộm cắp tài sản xuất phát từ sự chủ quan, thiếu cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản, tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm trộm cắp tài sản hoạt động: một bộ phận người dân vẫn giữ thói quen chăn thả gia súc tự do không có người trông coi, quản lý; các cơ quan, công sở thì lực lượng bảo vệ mỏng, mới chỉ tập trung ở khu vực cổng ra vào; cán bộ, công chức giờ hành chính nhà không có người trông coi… Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác như do tình hình kinh tế - xã hội trong những năm qua còn khó khăn; do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận người lao động không có việc làm, sự xuống cấp về đạo đức xã hội, chạy theo lối sống thực dụng; một bộ phận thanh thiếu niên lười lao động, biến chất về đạo đức xã hội.

Thủ đoạn và phương thức hoạt động của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Do có sự móc nối với nhau nên hành động của bọn tội phạm diễn ra nhanh chóng, bí mật và lấy được nhiều tài sản có giá trị. Chúng chủ yếu lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của chủ thể để tiến hành thực hiện hành vi trộm cắp khi thuận lợi. Những thủ đoạn phổ biến của bọn trộm thường sử dụng để gây án như sau: Chúng thường thăm dò, nắm tình hình sơ hở thiếu sót của cơ quan, cửa hàng, nhà ở cũng như sơ hở thiếu sót của nhân dân trong công tác bảo vệ tài sản, tìm hiểu các thiết bị, phương tiện bảo vệ (tường rào, khóa cửa, thiết bị báo động…) để chọn thời gian hoạt động cho thích hợp với các thủ đoạn như mở hoặc cạy phá khóa; trèo tường, vượt rào chui qua cửa sổ; đào tường, khoét gạch, dỡ ngói vào nhà…; trước khi đột nhập bọn chúng thường rình mò, nghe ngóng động tĩnh rồi mới hành động. Thực tiễn đấu tranh chống tội phạm trộm cắp cho thấy trong khi gây án, nhất là bọn trộm có tính chuyên nghiệp, bọn tái phạm thường chú ý không để lại dấu vết hoặc giả tạo dấu vết để đánh lạc hướng cơ quan điều tra.

Để tránh bị phát hiện, sau khi gây án, bọn trộm thường nhanh chóng rời khỏi hiện trường, tìm cách tẩu tán nhanh tài sản đã lấy được  bằng các phương tiện khác nhau. Địa bàn mà bọn trộm thường chú ý để gây án là những nơi tập trung nhiều tiền bạc, vật tư, hàng hóa…của tập thể, cá nhân, những nơi vắng vẻ nơi ban đêm thiếu ánh sáng, ban ngày ít người qua lại…

Thời điểm hoạt động thường vào lúc 22h00 đến 4h00; nếu là khu dân cư, buổi sáng chúng thường hoạt động từ 8h đến 10h, buổi chiều từ 13h đến 16h. Địa bàn và thời gian gây án có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bọn tội phạm thường căn cứ vào địa bàn định gây án để tính toán lựa chọn thời gian gây án thích hợp.

Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình tội phạm trộm cắp tài sản sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, liều lĩnh hơn; xuất hiện các băng nhóm tội phạm trộm cắp có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tội phạm mới sử dụng công nghệ cao để trộm cắp; hậu quả, tài sản thiệt hại sẽ ngày càng lớn hơn, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Xuất phát từ tình hình trên, nhận thấy cần phải nắm vững, nguyên nhân, điều kiện của loại tội phạm này để có những biện pháp phòng, chống có hiệu quả nên đặc biệt coi trọng công tác vận động, tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm trộm cắp tài sản để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và đề cao cảnh giác, bảo vệ tài sản.

Cách phòng ngừa tốt nhất đối với tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản vẫn là ý thức cảnh giác của mỗi người. Cần chủ động không để bản thân rơi vào những tình huống nguy hiểm, không nên tạo những sơ hở để bọn tội phạm ra tay trộm cắp, cướp giật tài sản.

Một số biện pháp phòng ngừa

Phòng chống cướp, cướp giật trên đường giao thông. Khi di chuyển trên đường giao thông bằng phương tiện cá nhân, không nên đeo trang sức có giá trị cao như vòng vàng, lắc, dây chuyền, bông tai. Nếu đeo trang sức đắt tiền cần trang bị áo khoác, khăn choàng, khi di chuyển chú ý quan sát qua gương chiếu hậu xem có xe nào bám theo hay không để có biện pháp phòng ngừa.

Khi đang điều khiển các loại xe máy trên đường không được nghe điện thoại di động, vừa vi phạm Luật Giao thông, vừa tạo sơ hở để bọn cướp giật thực hiện hành vi tội phạm. Nếu cần nghe điện thoại phải dừng hẳn xe, đi lên vỉa hè nghe xong mới tiếp tục di chuyển.

Khi sử dụng các loại xe máy đi vào những tuyến đường vắng người, lúc trời tối hoặc đêm khuya cần có người thân đi cùng.

Bỏ giỏ xách, máy laptop vào cốp xe hoặc cài quai đeo giỏ xách, ba lô, cặp vào móc xe cẩn thận, không để túi xách có tài sản trên giỏ xe, baga phía trước hay treo trên tay lái, không nên đeo ba lô, giỏ xách trên người. Nếu xe máy có 2 người nên để túi xách sau lưng người điều khiển, người ngồi sau ôm lấy túi xách.

Thường xuyên theo dõi trên các phương tiện truyền thông để nắm bắt phương thức, thủ đoạn gây án của bọn tội phạm, các tuyến đường hay xảy ra cướp, cướp giật tài sản để phòng ngừa. Quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân bị cướp giật để bảo vệ tính mạng, tài sản và ngăn ngừa hành vi phạm tội nếu thấy vụ việc xảy ra.

Phòng ngừa tội phạm móc cốp xe máy

Do ý thức cảnh giác chưa cao hay do chủ quan, quá tin tưởng vào độ an toàn của cốp xe máy nên một số người, đặc biệt là chị em phụ nữ khi đi dạo chơi, mua sắm thường cất tài sản quý, giấy tờ vào cốp xe, tạo điều kiện cho đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và cũng không loại trừ những người giữ xe máy lợi dụng để trộm cắp.

Việc móc cốp xe chủ yếu xảy ra đối với các loại xe tay ga như Vespa, Attila, Nouvo, Lead, Vision, SH, bởi cốp khá rộng có thể bỏ nhiều đồ vật có giá trị lớn, thuận tiện cho hành vi móc cốp. Bọn tội phạm có thể cạy yên xe một cách dễ dàng mà không cần dùng phương tiện chuyên dùng. Do vậy khi rời khỏi xe dù chỉ đi trong chốc lát cũng cần mang theo túi xách, tài sản giá trị hoặc có người ngồi lại trông xe.

Phòng ngừa tội phạm trộm cắp, cướp giật nơi đông người

Tại các khu vực công cộng, trung tâm mua sắm, khu vui chơi, bọn tội phạm thường di chuyển tạo tình huống lộn xộn, rồi chen lấn, xô đẩy làm nạn nhân mất tập trung để rạch túi quần, giỏ xách, bấm dây chuyền, móc ví, giật điện thoại. Người dân cần thận trọng khi đi đến những khu đông người, không mang nữ trang, vàng bạc cùng các tài sản có giá trị lớn, tránh xa những tụ tập đông người, chen lấn, xô đẩy để bảo vệ tài sản cá nhân.

Khi bị cướp, cướp giật, móc túi, mất tài sản, cần tri hô ngay để mọi người hỗ trợ; mặt khác báo ngay cho lực lượng công an, lực lượng bảo vệ nơi gần nhất. Phải bình tĩnh nhận diện đối tượng, đặc điểm, biển số xe của đối tượng gây án để báo cho cơ quan chức năng điều tra, truy bắt thủ phạm.

Để chủ động phòng ngừa với tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội trên địa bàn xã Đa Lộc, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Mọi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác quản lý tốt tài sản của mình, người thân trong gia đình và những người xung quanh; đồng thời tích cực phát hiện, tố giác và tham gia truy bắt tội phạm.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐA LỘC - HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: NGUYỄN HẢI NĂM - CHỦ TỊCH UBND XÃ ĐA LỘC.

Địa chỉ: Xã Đa Lộc, Huyện Hậu Lộc, Tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0949136999

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa